Tại Trung Quốc, nơi thị trường TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, nghề giao hàng đang trải qua một sự biến đổi đáng chú ý với sự xuất hiện của những “cô nhận hộ” hoặc “giao hàng chặng cuối”. Nghe tên thôi, có thể bạn sẽ tự hỏi: “Giao hàng hộ Shipper?” Nghe có vẻ không hợp lý chút nào. Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh tổng thể, bạn sẽ hiểu rằng đây là một cách giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Cô giao hàng hộ là gì? Cô giao hàng hộ là một thuật ngữ mới được sử dụng tại Trung Quốc để chỉ những người làm việc trung gian trong quá trình giao nhận hàng hóa từ người bán đến người mua cuối cùng. Cụ thể, họ thường là những người tiếp nhận đơn hàng từ người giao hàng (như shipper) và chịu trách nhiệm giao hàng đến tận tay người nhận. Điều này giúp shipper giảm bớt thời gian và công sức đến từng căn hộ hoặc tìm kiếm người nhận hàng trong các khu vực phức tạp và đông đúc.
Trong bối cảnh thị trường TMĐT và bán hàng online phát triển, vai trò của “cô giao hàng hộ” ngày càng trở nên quan trọng và được đánh giá cao, đặc biệt là tại các địa điểm có mật độ dân cư cao và giao thông phức tạp. Đồng thời, nghề này cũng mang lại cơ hội kiếm thu nhập cho những người muốn làm việc linh hoạt và có thời gian rảnh rỗi.
Trong các khu vực dân cư đông đúc, đặc biệt là tại các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại lớn, giao hàng tận nhà thường gặp phải nhiều khó khăn. Đây là những nơi phức tạp, đông đúc và thường xuyên kẹt xe, kẹt thang máy, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Chính vì thế mà thời gian giao hàng tăng lên gấp đôi, gấp ba. Sử dụng dịch vụ “giao hàng hộ shipper” có thể tiết kiệm lên đến 20-30 phút cho mỗi đơn hàng.
Tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, mỗi ngày, vào giờ ăn trưa, dưới tầng trệt của tòa nhà SEG Plaza thuộc khu Hoa Cường Bắc có một cảnh tượng khá đặc biệt diễn ra hàng ngày. Hàng chục phụ nữ đứng đợi sẵn để nhận hàng từ các shipper, người giao hàng và chuyển đến cho khách hàng. Họ được biết đến với biệt danh “cô/dì giao hộ” hoặc “cô/dì giao hàng chặng cuối”.
Khi các shipper đưa hàng đến địa điểm dự kiến, họ sẽ quét mã QR của “cô giao hàng hộ” và trả cho họ một khoản phí nhỏ, khoảng 2 nhân dân tệ, tương đương khoảng 7 nghìn đồng. Những người giao hộ sẽ nhanh chóng chạy vào tòa nhà để giao hàng cho khách đang đợi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được công việc này. Để trở thành một “cô nhận hộ” đáng tin cậy, cần phải có kiến thức về khu vực. Ngoài ra, dù công việc này không đòi hỏi bằng cấp, nhưng sự cạnh tranh vẫn diễn ra rất gay gắt. Năm 2023, có đến 50 – 60 người đến khu vực này để nhận giao hàng hộ. Với số lượng ngày càng tăng, thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng. Mỗi giờ ăn trưa, các “cô giao hàng hộ” chỉ có thể nhận tối đa 30 đơn hàng.
Điều thú vị là các “cô giao hàng hộ” hầu hết là những người làm việc bán thời gian, các cô lao công trong các trung tâm thương mại, tòa nhà lớn để kiếm thêm thu nhập trong lúc rảnh rỗi. Cô Huang Xiumei, một “cô giao hàng hộ” người Hồ Nam, làm công việc dọn dẹp ở Thâm Quyến cho biết, các shipper tìm người giao hàng hộ vì thời gian chờ thang máy trong các trung tâm thương mại thường rất lâu và họ gặp khó khăn trong việc tìm đến tận điểm giao hàng.
Ví dụ tòa nhà SEG Plaza, với hơn 3.000 căn hộ có cách bố trí phức tạp gây nhiều khó khăn cho các shipper. Với kinh nghiệm và sự quen thuộc với cấu trúc tòa nhà, cô Huang có thể nhanh chóng giao hàng cho người nhận chỉ trong ít phút.
Tuy nhiên, việc nhờ người giao hàng hộ đôi khi cũng gặp nhiều vướng mắc về trách nhiệm. Nếu có lỗi hoặc chậm trễ trong việc giao hàng, các shipper sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho khách hàng dù họ đã phải chia sẻ một phần thu nhập của mình với các “cô giao hàng”.
Theo luật sư Li Xianliang của công ty luật Hebei Shidai Jingdian, các “cô giao hàng hộ” không khác một “trạm trung chuyển”. Điều khác biệt duy nhất là họ có thể di chuyển và không cần giấy phép hoạt động. Nếu không nhận được sự chấp thuận của khách hàng, các shipper thực tế đang vi phạm thỏa thuận giao hàng khi chuyển đơn đặt hàng của khách cho người giao hàng hộ. Nếu đơn hàng bị mất, người bán, nền tảng và đặc biệt là shipper chính đều phải chịu trách nhiệm.
Trong một nền kinh tế phát triển như Trung Quốc, hiện tượng “cô giao hàng hộ” có thể được coi là biểu hiện của sự sáng tạo và tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các yếu tố về kinh tế và xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, những thách thức và vấn đề pháp lý cũng đồng thời xuất hiện, đòi hỏi phải được giải quyết một cách cẩn thận và đúng đắn.
Mặc dù đây có vẻ là một công việc không có gì đặc biệt, nhưng nghề giao hàng hộ shipper thực tế lại đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống giao hàng và thương mại điện tử ở Trung Quốc. Việc có những người “cô giao hàng hộ” giúp tăng cường hiệu suất và giảm thiểu thời gian giao hàng, từ đó mang lại lợi ích lớn cho cả người giao hàng và người nhận hàng.