“TikTok Brain” có nghĩa là tác động tiêu cực của việc sử dụng ứng dụng TikTok lên tâm trí. Theo tổ chức Điều trị Nghiện (The UK Addiction Treatment Group) ở Vương quốc Anh đã báo cáo về sự gia tăng của các bậc cha mẹ bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của con em họ vào các ứng dụng mạng xã hội.
Nhóm điều trị này đã nêu rõ rằng TikTok “đặc biệt gây nghiện”, và đã nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi về tác hại của “TikTok Brain” đối với trẻ em trên khắp đất nước.
Thuật ngữ “TikTok Brain” ám chỉ đến những tác động tiêu cực của việc sử dụng nền tảng này lên tâm trí của người dùng. Đặc biệt, các lo ngại đã được đề cập đến về các nguy cơ của việc tiếp cận vô hạn các video ngắn được cá nhân hóa.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy các video TikTok cá nhân hóa kích hoạt các hệ thống thưởng trong não và tạo ra mức độ gây nghiện cao hơn so với các thuật toán không cá nhân hóa. Các triệu chứng của “TikTok Brain” bao gồm khả năng tập trung kém, giấc ngủ không đều và mức độ tự kiểm soát thấp, trong đó có 5,9% trong số những người tham gia nghiên cứu cho thấy các hậu quả nghiêm trọng.
Sự lan truyền của xu hướng các video ngắn, đặc biệt là những video có cách chỉnh sửa sặc sỡ và nội dung hấp dẫn, đã thay đổi cách chúng ta tiêu thụ thông tin truyền thông. Thế giới hiện nay đang chứng kiến sự lên ngôi của định dạng video ngắn kèm theo các phong cách chỉnh sửa sặc sỡ, nội dung kịch tính hấp dẫn và các giai điệu bắt tai đặc biệt cho TikTok.
Mặc dù nhiều người có thể thích thú với việc tham gia vào các trào lưu và những bài hát và điệu nhảy đáng yêu trên TikTok, nhưng việc tiếp xúc quá mức với các tác nhân kích thích có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta theo một cách nào đó.
Sự dịch chuyển của các mạng xã hội hướng tới những thuật toán cá nhân hóa trải nghiệm người dùng không chỉ đặt ra nguy cơ về việc giảm sự tập trung mà còn về cách chúng ta nhìn nhận về bản thân và thế giới xung quanh khi hàng ngày phải tiêu thụ một “núi” kiến thức mà “thật giả lẫn lộn”.
Giới trẻ như thế hệ gen Z đang đối mặt với một hiện tượng đáng lo ngại, đó là việc “cuộn trang không chớp mắt,” khiến chúng ta dễ dàng tiếp cận và liên tục tiêu thụ thông tin từ các nguồn mạng xã hội và truyền thông. Những chu kỳ tin tức và thông tin không giới hạn về chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh và các vấn nạn xã hội đều xuất hiện dồn dập một cách liên tục, 24/7, chẳng hề ngừng nghỉ.
Hậu quả của việc chìm đắm trong dòng tin tức không mất chút thời gian để dừng lại và suy ngẫm là chúng ta dần trở nên căng thẳng và lo lắng. Sự tiếp xúc không ngừng với những thông tin tiêu cực này chỉ khiến tâm trí chúng ta luôn trong trạng thái lo âu và hoang mang.