Công nghệ thông tin phát triển đồng nghĩa với việc con người tiếp cận thông tin nhờ mạng internet ngày càng tăng, những người có sức ảnh hưởng (gọi là Influencer) có thể lan truyền thông tin nhanh chóng, thậm chí tạo ra các xu hướng mới. Do đó, Influencer Marketing ra đời và ngày một phát triển, đồng thời trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược marketing.
Influencer là gì?
Influencer là gì? Influencer là những người có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội, những người có thể ảnh hưởng đến hành vi của những người theo dõi họ với tư cách là người tiêu dùng. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể là Influencer, nhưng internet – cũng giống như thế giới rộng hơn – có xu hướng ưu ái những người giàu có, nổi tiếng và có sức hút.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tài khoản mạng xã hội đều đại diện cho con người và điều này cũng đúng với Influencer. Animal Influencer (thú cưng có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội) là một hiện tượng. AI Influencer (trí tuệ nhân tạo có lượng người theo dõi lớn) cũng vậy. Robot Influencer (Robot có lượng người theo dõi lớn) nổi tiếng nhất tên là Lil Miquela, người vĩnh viễn 19 tuổi, tài khoản của cô (được tạo ra bởi một công ty khởi nghiệp ở Los Angeles) có lượng theo dõi lên đến ba triệu người.
Influencer Marketing là gì?
Influencer Marketing là gì? Influencer Marketing được hiểu đơn giản là tiếp thị qua người ảnh hưởng, đây là sự hợp tác giữa người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và các thương hiệu, nhãn hàng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu, nhãn hàng đó.
Phạm vi ảnh hưởng: Trước đây, có thể là mỹ phẩm Mary Kay và những quý bà sành điệu lái xe Cadillac màu hồng. Bây giờ là những dụng cụ tập eo, vitamin dạng kẹo gum giúp mọc tóc, thực phẩm bổ sung protein màu xanh. Những người xinh đẹp, quyến rũ và có sức hút luôn ảnh hưởng đến cách sống mà người khác mong muốn – bao gồm cả những sản phẩm họ mua để hỗ trợ cho cuộc sống mơ ước của mình. Dạo gần đây, với sự xuất hiện của mạng xã hội, việc có sức ảnh hưởng đến người khác trở thành một công việc thực sự.
Influencer Marketing là sự hợp tác giữa người nổi tiếng trên mạng xã hội và các thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu đó. Những mối quan hệ hợp tác này đã diễn ra một cách không chính thức từ khi mạng xã hội mới xuất hiện. Đến năm 2009, chúng đã trở nên phổ biến đến mức Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ phải can thiệp và quy định chúng thông qua luật Mommy Blogger – Người nổi tiếng trong giới mẹ bỉm sữa (Trung Quốc, Ấn Độ và Vương quốc Anh đã đưa ra các quy định tương tự).
Kể từ đó, thị trường đã phát triển một cách đáng kinh ngạc: Từ năm 2019, nó đã tăng gấp đôi nhờ sức mạnh của các nền tảng như Instagram – YouTube (ở các nước phương Tây), Pinduoduo – WeChat (ở Trung Quốc). Năm 2023, nền kinh tế Influencer Marketing được định giá là 21,1 tỷ đô la.
McKinsey đã dự đoán sự nổi lên của Influencer Marketing vào năm 2014 với việc hoàn thành một cuộc khảo sát liên quan đến 20.000 người tiêu dùng châu Âu. Dữ liệu phân tích vào thời điểm đó đã chỉ ra rằng: hầu hết ảnh hưởng của Influencer Marketing đều đến từ những người có sức ảnh hưởng lớn (gọi là Influencer). Nhưng cuộc khảo sát cũng nhận ra một thị trường đang nổi lên – và phần lớn chưa được khai thác – của những người ít ảnh hưởng hơn với lượng người theo dõi ít hơn. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của Nano Influencer (1000 – 5000 người theo dõi) và Micro Influencer (5000 – 25.000 người theo dõi).
Các thương hiệu tận dụng hình thức Influencer Marketing bởi vì chúng mang lại hiệu quả cho họ, cả người tiêu dùng và người có ảnh hưởng. Mạng xã hội đã có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng khi McKinsey thực hiện cuộc khảo sát của mình vào năm 2014. Năm 2022, phân tích hơn 2.000 bài đăng Influencer Marketing cho thấy chiến lược này mang lại lợi ích tích cực cho các thương hiệu.
Hơn nữa, không thiếu những người muốn trở thành Influencer. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2019 với hàng ngàn người thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z, 54% cho biết họ sẽ trở thành Influencer nếu có thể. Mặc dù chúng ta không biết thị trường sẽ “hot” như thế này bao lâu, nhưng mạng xã hội vẫn đang rất phát triển. Các thương hiệu hay cá nhân vẫn đang tận dụng tối đa cơn sốt vàng này khi thị trường kinh doanh vẫn đang hoạt động sôi động.
Ngoài mái tóc bóng mượt và một nụ cười rạng rỡ, điều gì khiến một người trở thành Influencer? Và Influencer Marketing hoạt động như thế nào? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về hiện tượng đang phát triển nhanh chóng này cùng hướng đi của nó.
Một thỏa thuận Influencer Marketing trông như thế nào?
Sự hợp tác như vậy thường kết hợp hai mô hình dưới đây:
- Influencer được trả một mức phí cố định cho mỗi bài đăng để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ cho thương hiệu. Điều này được biết đến như một thỏa thuận thương hiệu. Tỷ lệ cố định có thể từ ba đến năm con số, ngay cả với Influencer không có hàng triệu người theo dõi. Người nổi tiếng có thể tính phí sáu con số trở lên cho mỗi bài đăng.
- Influencer đăng bài về sản phẩm hoặc dịch vụ có gắn đường link để liên kết đến nơi mua hàng. Mỗi khi người xem mua sản phẩm bằng cách nhấp chuột qua liên kết hoặc sử dụng mã khuyến mãi, Influencer sẽ nhận được hoa hồng liên kết.
Influencer được trả phí bao nhiêu?
Influencer nhận được bao nhiêu sau mỗi bài quảng cáo? Chi phí mà Influencer nhận được là không cố định. Bởi vì mỗi Influencer sẽ có một lượng khách hàng riêng biệt, một danh sách người theo dõi riêng biệt và các chỉ số tương tác riêng biệt, nên hợp đồng Influencer Marketing sẽ có sự khác nhau.
Người mẫu áo tắm kiêm Influencer – Alexa Collins, cô có hơn hai triệu người theo dõi, nói rằng: Cô lấy phí ít nhất 1.000 USD cho một Story (tính năng được cung cấp bởi Instagram, cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh và video ngắn của mình) được tài trợ trên tài khoản Instagram của mình. Tyler Chanel – Influencer, người vận động vì môi trường và lối sống bền vững với hơn 13.000 người theo dõi – cho biết cô lấy phí các thương hiệu ít nhất 100 USD cho một Story quảng cáo. Một số Influencer coi 100 USD cho mỗi 10.000 người theo dõi là một công thức cố định. Tuy nhiên không có quy tắc cố định ở đây. Một Influencer từng nói chuyện với mọi người xung quanh về việc kiếm được khoảng 5.000 USD mỗi tháng chỉ thông qua việc gắn link sản phẩm, giúp đưa khách hàng, người sử dụng web đến trang web của nhà quảng cáo. Các giao dịch với nhãn hàng, thương hiệu cũng có thể mang lại khoản tiền lớn cho Influencer. Một Influencer khác, có đến 275.000 người theo dõi vào thời điểm đó, nói rằng cô đã kiếm được 700.000 USD trong sáu tháng chỉ từ các giao dịch với thương hiệu, nhãn hàng.
Sự khác biệt giữa tiếp thị qua người có sức ảnh hưởng và tiếp thị qua người nổi tiếng là gì?
Các thương hiệu đã bán sản phẩm của họ thông qua việc nhờ những người nổi tiếng quảng cáo từ rất lâu. Nhưng tiếp thị qua Influencer và tiếp thị qua người nổi tiếng không hoàn toàn giống nhau. Tiếp thị qua người nổi tiếng thường liên quan đến việc một công ty đầu tư rất lớn vào họ, nhưng thật khó để xác định chính xác lợi tức từ phần đầu tư đó. Với Influencer Marketing, việc tính toán ROI – Tỷ lệ hoàn vốn (dùng để đo lường tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) sẽ dễ dàng hơn bởi các công ty có thể theo dõi chặt chẽ lượt thích, lượt chia sẻ, cuộc trò chuyện trực tuyến,…
Micro Influencer là gì?
Người ảnh hưởng có 5 cấp độ khác nhau, đó là Nano, Micro, Medium, Macro và Mega – điều này tùy thuộc vào số lượng người theo dõi họ :
- Nano Influencer: từ 1.000 – 5.000 người theo dõi.
- Micro Influencer: từ 5.000 – 25.000 người theo dõi.
- Small Influencer: từ 25.000 – 100.000 người theo dõi.
- Medium Influencer: từ 100.000 – 500.000 người theo dõi.
- Macro Influencer: từ 500.000 – 1.000.000 người theo dõi.
- Mega Influencer: > 1.000.000 người theo dõi.
Bạn có thể cho rằng các thương hiệu chỉ muốn làm việc với những người thuộc nhóm Macro Influencer, nhưng đó chưa phải là quyết định kinh doanh thông minh nhất. Những người Macro Influencer có thể tạo ra nhiều nội dung phù hợp hơn so với các đối tác của họ, bao gồm những người nhiếp ảnh gia, nhà tạo mẫu, thợ trang điểm chuyên nghiệp và tất cả các chuyên gia tư vấn để đăng bài cùng nhau. Trong khi Macro Influencer có thể quảng cáo một lối sống mà dường như nhiều người không thể đạt được, thì mặt khác, nhóm Micro Influencer có thể đại diện cho khả năng tiếp cận những người theo dõi họ.
Tất nhiên, có những lợi ích nhất định khi làm việc với Influencer đó là: Với lượng người theo dõi đông đảo, họ có thể giúp các thương hiệu tiếp cận hàng trăm, hàng nghìn hoặc thậm chí là hàng triệu người.
Những nền tảng nào phổ biến nhất cho Influencer Marketing?
Nền tảng nào phổ biến nhất cho Influencer Marketing? Instagram, TikTok hay Youtube đều là những thị trường “hot”, phù hợp để Influencer sáng tạo nội dung, quảng cáo và tiếp thị sản phẩm đến người theo dõi họ.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2022 với hơn 2.000 thương hiệu trên toàn cầu, có đến 80% cho biết họ sử dụng Instagram để áp dụng hình thức Influencer Marketing. Bên cạnh đó, TikTok đang ngày càng phát triển, trong cùng một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2023, có đến 56% thương hiệu tham gia cho biết họ đã sử dụng nền tảng TikTok cho các chiến dịch Influencer Marketing.
Mặc dù Instagram và TikTok đều là những nền tảng phổ biến nhất để áp dụng hình thức Influencer Marketing, tuy nhiên các thương hiệu cũng không nên bỏ qua tiềm năng của một số lựa chọn thay thế. Có thể thương hiệu của bạn đã được Influencer biết đến trước đó với số lượng người đăng ký ấn tượng trên YouTube. Giống như các hình thức Marketing truyền thống, Influencer Marketing cũng nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với đối tượng cụ thể của từng thương hiệu.
Ngoài ra, nghiên cứu được thực hiện bởi nền tảng Upfluence Influencer Marketing – cho thấy rằng, một số nền tảng nhất định có thể thu hút Influencer cụ thể, điều này tùy thuộc vào số lượng người theo dõi mà Influencer đó có. Ví dụ: Micro Influencer và Medium Influencer có xu hướng thích Instagram, trong khi Macro Influencer và Mega Influencer chuyển sang TikTok.
Điều gì tạo nên một chiến dịch Influencer Marketing thành công?
Tính xác thực là nền tảng của bất kỳ một chiến dịch Influencer Marketing thành công nào. Việc hình thành mối quan hệ với Influencer Marketing liên quan đến thông điệp mà một thương hiệu muốn truyền tải là điều cần thiết. Influencer Marketing có thể nổi tiếng với nội dung của họ về bảo vệ môi trường, nấu ăn, các quan điểm tích cực về cơ thể, lối sống lành mạnh,… Thương hiệu của bạn có phù hợp với Influencer và thương hiệu của người đó không? Influencer Marketing không chỉ dừng lại ở việc ghi điểm cho các bài đăng sản phẩm, nó nên nhấn mạnh hơn vào việc xây dựng mối quan hệ thực sự với Influencer – bạn muốn họ thực sự ủng hộ thương hiệu của bạn.
Hơn nữa, việc hợp tác với một nhóm người ảnh hưởng đa dạng có thể giúp thương hiệu của bạn thu hút đối tượng lớn hơn. Ví dụ, Alessandra Sales – Phó Chủ Tịch phát triển tại Ipsy – đã chia sẻ với McKinsey về kinh nghiệm làm việc của cô với những Influencer chuyển giới, họ giúp thương hiệu làm đẹp của cô kết nối với cộng đồng chuyển giới.
Đại dịch đã thay đổi Influencer Marketing như thế nào?
Bằng chứng rõ ràng cho thấy đại dịch COVID-19 đã tạo ra một chuẩn mực mới. Mặc dù nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu đi du lịch trở lại, ra ngoài nhiều hơn, thậm chí mạo hiểm đến văn phòng làm việc, nhưng mọi thứ có lẽ sẽ không bao giờ có thể trở về giống như trước kia. Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sức khỏe cộng đồng, thực phẩm, mua sắm, và nhiều thứ khác.
Ngày càng có nhiều người mua sắm trực tuyến hơn. Thật ra không có gì ngạc nhiên ở đây: Với những lo ngại kéo dài về sức khỏe và mức độ chấp nhận rủi thấp hơn, việc mua những đôi giày mới trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Trong một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5 năm 2020, dữ liệu từ Visa cho thấy: 13 triệu người ở Mỹ Latinh đã thực hiện giao dịch thương mại điện tử lần đầu tiên trong đại dịch, khi người tiêu dùng muốn các hình thức mua sắm không tiếp xúc. Ngoài ra, khảo sát toàn cầu liên tục của McKinsey cho thấy người tiêu dùng liên tục lựa chọn các phương thức số hóa, giảm tiếp xúc để nhận dịch vụ hoặc sản phẩm. Influencer có vai trò ngày càng lớn hơn trong chuẩn mực mua sắm mới: 34% người tham gia khảo sát cho biết họ đã mua sắm trên Instagram do ảnh hưởng của Influencer.
Metaverse sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Influencer Marketing?
Metaverse là một khái niệm đang còn mới và hơi phức tạp. Chúng tôi mô tả nó như một sự phát triển của Internet: đó là không gian kỹ thuật số 3-D mới nổi, cho phép mọi người có những trải nghiệm trực tuyến giống như thật thông qua thực tế ảo và một số công nghệ khác. Trong Metaverse, mọi người tương tác với đồng nghiệp, nội dung, tiền điện tử, thương hiệu và các “thế giới” khác. Các nền tảng có thể bạn đã biết bao gồm Animal Crossing, Fortnite, Minecraft, Roblox và The Sims.
Tương lai của tiếp thị trong Metaverse là gì? Hóa ra, mọi người đều sẵn lòng trả tiền cho hàng hóa ảo: việc bán những mặt hàng đó trực tiếp qua hình đại diện đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 54 tỷ USD. Gucci, chẳng hạn, đã bán một phiên bản kỹ thuật số của túi Dionysus với giá hơn 4,000 đô la – cao hơn nhiều so với giá của phiên bản thực tế. Nike đã bán giày ảo gọi là Nike Cryptokicks, và Chipotle đã cung cấp phiếu mua bánh burritos ngoài đời thực cho 30.000 khách đầu tiên đến nhà hàng ảo của công ty trên Roblox.
Influencer đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào Metaverse (hiểu đơn giản là vũ trụ ảo). Ví dụ, Rapper Snoop Dogg đã phát hành một video âm nhạc được tạo ra trong Metaverse – The Sandbox, cũng như một “Snoopverse” (trên cùng nền tảng), nơi người hâm mộ có thể truy cập các buổi biểu diễn và nội dung độc quyền. Tiềm năng cho sự hợp tác giữa thương hiệu và Influencer trong Metaverse dường như không giới hạn, giống như chính Metaverse vậy.
Những cơ hội và thách thức của Influencer Marketing
Nhiều thương hiệu có thể hưởng lợi bằng cách hợp tác với Influencer. Nhưng thật ra, Influencer Marketing không phải là không có rủi ro. Các công ty lớn, nổi tiếng có thể sử dụng Influencer Marketing để thiết lập hoặc duy trì mức độ tin cậy của người tiêu dùng bằng cách thêm yếu tố cá nhân hóa. Nhưng các thương hiệu lớn có thể sẽ khó thể hiện được tính xác thực trong đề xuất của Influencer vì rõ ràng họ đã được trả tiền để làm điều đó. Một Influencer quảng cáo một thương hiệu nhỏ hơn, ít được biết đến hơn có thể sẽ có sự chân thực cao hơn.
Các thương hiệu nhỏ hơn có thể phải đối mặt với những thách thức của riêng họ trong tương lai. Khi Influencer Marketing tràn ngập trên thị trường trực tuyến, việc nổi bật giữa các đối thủ có thể sẽ khó khăn hơn. Katie Freiberg, Cựu Giám Đốc Tiếp Thị Tăng Trưởng của công ty đồ lót ThirdLove, nói với McKinsey rằng:
Khi thị trường trở nên bão hòa hơn, các thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu nhỏ, sẽ khó tạo ra sự khác biệt hơn. Các thương hiệu quảng cáo trực tiếp tới người tiêu dùng [D2C] đã sử dụng điều này như một cách để thực sự xây dựng thương hiệu và tiếng nói của họ. Khi các công ty lớn hơn bước vào lĩnh vực này và bắt đầu sử dụng những người có ảnh hưởng, các thương hiệu D2C sẽ buộc phải tìm ra điều mới tiếp theo.
Freiberg cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp lớn làm việc với nhiều Influencer có thể gặp khó khăn trong việc quản lý các mạng lưới này. Ngay cả khi thương hiệu của bạn lựa chọn Influencer cẩn thận để duy trì giá trị của thương hiệu, bạn không thể luôn chắc chắn rằng người đó sẽ hành xử trực tuyến một cách chuyên nghiệp và không làm hại đến danh tiếng của thương hiệu.
Như mọi khi, các thương hiệu phải sáng suốt về cách họ tiến hành kinh doanh trên internet hoặc trên thị trường. Nhưng bất chấp rủi ro, việc hợp tác với Influencer phù hợp trong những lĩnh vực này có thể giúp thương hiệu phát triển theo cấp số nhân!