Báo cáo mới nhất từ TikTok cho biết rằng ngày nay xu hướng tiêu dùng của nhiều người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng ưu tiên yếu tố giá trị hơn là giá cả khi mua sắm. Theo báo cáo, 79% người tham gia khảo sát cho biết họ thường được truyền cảm hứng mua sắm bởi nội dung liên quan đến giá trị và chất lượng sản phẩm hơn là các ưu đãi giảm giá. Trong bài viết này, cùng DC Media tìm hiểu về hành vi tiêu dùng của người Việt trong thời gian gần đây nhé!
Báo cáo về xu hướng hành vi của người tiêu dùng
Báo cáo “Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á – Thái Bình Dương”, được thực hiện bởi Accenture và công bố bởi TikTok, cung cấp một cái nhìn tổng quan về tương lai của người tiêu dùng và thương mại, trong bối cảnh thị trường đang thay đổi theo hướng ngày càng đa dạng hơn, phản ánh hành vi, sở thích và kỳ vọng mới từ phía người tiêu dùng. Báo cáo, ra mắt tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2024, mang lại nhiều phát hiện đáng chú ý về xu hướng tiêu dùng tại các thị trường chính trong khu vực, bao gồm Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Accenture là gì? Accenture là một công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu, tập trung vào các lĩnh vực tư vấn chiến lược, công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ. Công ty này được thành lập vào năm 1989 và có trụ sở chính tại Dublin, Ireland. Accenture cung cấp các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, sức khỏe, công nghệ thông tin, quản lý chuỗi cung ứng, phát triển phần mềm và nhiều lĩnh vực khác. Đây là một trong những công ty tư vấn hàng đầu trên thế giới và thường được coi là một trong những đối tác chiến lược cho các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo là sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng, khi có đến 79% người tiêu dùng ở khu vực APAC bị ảnh hưởng bởi nội dung không có tính chất quảng cáo. Trung bình trong khu vực, chỉ có 21% người dùng bị ảnh hưởng bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng; tỷ lệ này cũng biến động theo từng quốc gia cụ thể: 12% (Hàn Quốc), 27% (Nhật Bản) và 41% (Indonesia). Các góc độ nội dung như lợi ích sản phẩm, đánh giá thực tế từ người dùng, miêu tả và mô phỏng ứng dụng sản phẩm được cho là hữu ích hơn trong quá trình cân nhắc và đưa ra quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Báo cáo cũng chỉ ra rằng ngày càng có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm của người tiêu dùng từ giá cả và khuyến mãi sang giá trị sản phẩm.
Phân nhánh động cơ mua hàng
Báo cáo cũng phân biệt hai kiểu hình thái tiêu dùng riêng biệt ở châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm nhóm tiêu dùng dựa trên đánh giá của Cộng đồng (social-oriented) và nhóm dựa trên đặc tính Sản phẩm (product-oriented).
Ở các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người tiêu dùng có xu hướng nghiêng về các đánh giá sản phẩm từ cộng đồng. Họ tin tưởng vào nội dung giới thiệu sản phẩm – dịch vụ từ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, ít nhạy cảm với quảng cáo – thông tin ưu đãi hơn, và ít dựa vào trực giác khi mua hàng.
Trái lại, người tiêu dùng tại Nhật Bản và Indonesia có xu hướng quan tâm nhiều tới các nội dung về đặc điểm, thông tin và lợi ích sản phẩm. Nhóm này cũng phản ứng nhanh chóng với các chương trình khuyến mãi và ít đưa ra quyết định mua hàng dựa trên cảm tính hơn.
Ông Arthur Altounian, Phó Chủ tịch về Chiến lược khách hàng & Tăng trưởng, Châu Á Thái Bình Dương tại GroupM (The Goat Agency) cho biết: “Trong thời đại nội dung và hành vi tiêu dùng đang thay đổi từng ngày, thương hiệu sẽ cần thúc đẩy người dùng đưa ra quyết định mua hàng theo trực giác. Thương hiệu nên chú trọng thiết lập mối liên hệ gắn kết lâu dài, đồng hành cùng người dùng trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng cân bằng các nhu cầu về hoạt động khuyến mãi trong ngắn hạn. Thương hiệu phải luôn đặt người tiêu dùng lên hàng đầu và lưu tâm đến việc tạo ra trải nghiệm liền mạch từ nội dung hấp dẫn cho tới chiến lược bán hàng tập trung vào lợi ích và giá trị sản phẩm mang lại”.
Nhu cầu mua hàng liền mạch và được cung cấp thông tin
Sự phổ biến của việc sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng tăng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhờ vào việc chúng cung cấp một điểm đến độc đáo, nơi người dùng có thể khám phá thông tin, tìm kiếm nội dung và mua sắm trên cùng một ứng dụng mà không cần phải chuyển đổi giao diện hoặc nền tảng khác. Báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng số lượng người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok đã tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Dự báo cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong 1-2 năm tới khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hoặc tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm – giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.
Trong khi chỉ có 22% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi yếu tố thương hiệu một cách độc lập, có tới 48% người tiêu dùng cho biết cộng đồng sáng tạo nội dung có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi và quyết định mua sắm của họ. Các cộng đồng này tạo ra một mạng lưới người dùng năng động không chỉ tham gia tích cực vào việc chia sẻ thông tin về sản phẩm và thương hiệu, mà còn thúc đẩy tương tác với nhóm người dùng có cùng quan tâm. Thông qua các cộng đồng này, một nội dung về sản phẩm và thương hiệu có thể nhanh chóng thu hút sự quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng người theo dõi. Điều này có nghĩa là việc giới thiệu nội dung về thương hiệu và sản phẩm cũng như phản hồi và lan truyền nội dung này có thể xảy ra đồng thời, tích hợp ý kiến từ nhiều phía và diễn ra một cách tự nhiên như quá trình tiêu thụ nội dung hàng ngày. Báo cáo cũng cho thấy 73% người tiêu dùng đã và đang tham gia một cách linh hoạt và năng động hơn trong việc sáng tạo nội dung qua các trào lưu mới hoặc chia sẻ ý kiến trong phần bình luận, v.v.
Shant Oknayan, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu tại TikTok cho biết: “Tại TikTok, chúng tôi hướng đến việc phát triển các hoạt động thương mại dựa trên nội dung cho cộng đồng. Trong bối cảnh công nghệ liên tục tiến bộ và yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các thương hiệu cần tìm cách tương tác với người tiêu dùng để mang lại ưu đãi tốt nhất và truyền tải trải nghiệm thú vị, liền mạch, không gây gián đoạn trong quá trình mua sắm. Ranh giới giữa mua sắm và các hoạt động khác đang dần trở nên mơ hồ hơn. Do đó, điều quan trọng hơn đối với các thương hiệu là cung cấp nội dung giúp người tiêu dùng mua sản phẩm mà họ muốn, khi họ muốn và theo cách họ muốn”.