Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, mạng xã hội đóng một vai trò không thể phủ nhận trong việc tạo nên bức tranh phong phú, đa dạng của cuộc sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, phát triển của công nghệ cũng mang theo không ít những trở ngại và thách thức. TikTok, một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, không nằm ngoài quy luật đó. Dù nổi tiếng với hàng triệu video ngắn sáng tạo và hài hước cùng hàng tỷ người dùng trên toàn cầu, TikTok cũng không tránh khỏi những lo ngại về nội dung không phù hợp, hay còn gọi là “content bẩn“. Như thế nào mà những nội dung này ảnh hưởng đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ? Hãy cùng khám phá và phân tích sự ảnh hưởng của “content bẩn” trên TikTok trong bài viết này.
Content là gì?
“Content” là một cụm từ trong tiếng Anh có nghĩa là nội dung. Đây là hình thức truyền đạt thông tin và trải nghiệm từ nhà cung cấp thông tin đến người tiêu dùng, thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau như bài viết, hình ảnh, video, âm thanh hay nội dung tương tác. Content đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất trong lĩnh vực marketing và quảng cáo hiện đại.
Có thể nói, content không chỉ là cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng mà còn là phản ánh giá trị và hình ảnh của thương hiệu trên thị trường. Trong bối cảnh kỹ thuật số hóa, nội dung ‘sạch’ và ‘bẩn’ đều có thể lan truyền rộng rãi và nhanh chóng, tạo nên những hậu quả không thể lường trước.
Content sạch
Nội dung “sạch” hay “content sạch” thường là những thông tin trung thực, đúng đắn, thiết thực, mang tính giáo dục và tôn trọng người tiêu dùng. Những nội dung này thường phản ánh các giá trị và chuẩn mực đạo đức cao, làm tăng niềm tin và tương tác từ phía người tiêu dùng, qua đó củng cố và tạo dựng hình ảnh tốt cho thương hiệu.
- Dove và chiến dịch “Real Beauty”
Dove, thương hiệu sản phẩm chăm sóc cơ thể nổi tiếng, đã tạo ra chiến dịch “Real Beauty” với mục đích khẳng định vẻ đẹp tự nhiên của mọi người phụ nữ. Trong nội dung của mình, Dove đã tránh việc sử dụng những mô hình siêu mỏng hoặc chỉnh sửa ảnh một cách quá mức, thay vào đó, họ chọn hiển thị những hình ảnh thực tế, đa dạng về hình thể của phụ nữ. Với thông điệp mạnh mẽ về vẻ đẹp tự nhiên và sự tự tin, Dove đã tạo ra một nội dung sạch, truyền cảm hứng và mang tính giáo dục cao, góp phần thay đổi cách mà xã hội nhìn nhận vẻ đẹp.
Content bẩn
Trái ngược với “content sạch”, “content bẩn” thường chứa đựng thông tin không chính xác, đôi khi còn có tính chất lừa dối, phân biệt, phản cảm hoặc vi phạm các quy định pháp luật. Nội dung bẩn có thể thu hút sự chú ý nhanh chóng và tạo ra lượng tương tác lớn trong thời gian ngắn, nhưng nó có thể gây hại lâu dài cho hình ảnh của thương hiệu và môi trường trực tuyến.
TikTok và sự gia tăng của nội dung gây hại
TikTok, nền tảng chia sẻ video ngắn với sự phát triển đột phá, đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một không gian tương tác sáng tạo và lành mạnh. Nơi đây, những nhà sáng tạo nội dung có thể tự do thể hiện nét sắc màu cá tính độc đáo thông qua các video ngắn đầy màu sắc. Mục tiêu của TikTok không chỉ là cung cấp một sân chơi giải trí mà còn là tạo ra một cộng đồng trong đó người dùng có thể học hỏi, khám phá và thể hiện bản thân mình một cách an toàn và tích cực.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, TikTok vẫn đang đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát sự xuất hiện và lan truyền của những “content bẩn“. Khái niệm “content bẩn” trên TikTok được định rõ là bất kỳ nội dung nào có thể gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của người dùng. Điều này bao gồm các video khuyến khích hành vi nguy hiểm, thách thức nguy hiểm hoặc vi phạm nguyên tắc cộng đồng đã được đặt ra. Dưới đây là một số ví dụ về các nội dung có hại trên TikTok.
Những nội dung gây hại đáng lo ngại
Bắt nạt trên mạng và lời nói đầy căm thù
TikTok, như nhiều nền tảng trực tuyến khác, đôi khi “bất đắc dĩ” trở thành “sân nhà” của những hành vi bắt nạt, lời lẽ đậm chất thù ghét và quấy rối trực tuyến. Người dùng không chỉ đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt thông qua các bình luận tiêu cực, họ cũng có thể phải chịu đựng ngôn ngữ xúc phạm hoặc những cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào bản thân hoặc nhóm mà họ thuộc về.
Nội dung bắt nạt và thù hận không chỉ tạo ra một môi trường trực tuyến độc hại, mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và cảm xúc cho những người bị tấn công. Những nạn nhân của bắt nạt trực tuyến thường phải đối mặt với những cảm giác bất an, cô đơn và bất lực, có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và tự ti. Hơn nữa, nó cũng có thể ảnh hưởng tới học tập, công việc và mối quan hệ xã hội của họ.
Thử thách nguy hiểm và các màn biểu diễn mạo hiểm
Những nội dung mạo hiểm thường khuyến khích người dùng tham gia vào các hành vi nguy hiểm, tự làm hại bản thân, hoặc tham gia vào các hoạt động có hại. Các hành vi này, mặc dù có thể tạo ra sự chú ý và thu hút lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, nhưng chúng cũng tạo ra rủi ro đáng kể cho sự an toàn của các cá nhân hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng của những người tham gia.
Một số thử thách và các màn biểu diễn mạo hiểm đã gây ra tranh cãi trong cộng đồng và dấy lên nhiều mối lo ngại. Ví dụ, thách thức “Tide Pod Challenge” yêu cầu người dùng ăn các gói chất tẩy rửa, một hành động cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng hoặc tử vong. Trong khi đó, “Skull Breaker Challenge” – thách thức gây chấn thương sọ – đã dẫn đến một loạt các vụ thương tích và thậm chí tử vong.
Nội dung khiêu dâm
Nguyên tắc cộng đồng của TikTok nghiêm cấm những nội dung khiêu dâm, đặc biệt là khi liên quan đến trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, trong thực tế, một số người dùng vẫn cố gắng chia sẻ hoặc tạo nên những nội dung như vậy, điều này đe dọa đến sự đa dạng và an toàn của cộng đồng người dùng nền tảng này, trong đó có cả trẻ em và thanh thiếu niên.
Tác động tiêu cực của nội dung khiêu dâm không chỉ giới hạn ở việc vi phạm quy định của nền tảng. Mức độ hậu quả mà nó có thể gây ra đối với những người dùng trẻ tuổi là đáng lo ngại. Trẻ em và thanh thiếu niên chưa phát triển đầy đủ khả năng nhận biết và đánh giá, có thể dễ dàng bị lôi cuốn và ảnh hưởng tiêu cực bởi những nội dung khiêu dâm này. Hậu quả không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn có thể lan rộng ra cộng đồng, gây ra những rối loạn trong việc nhận thức về giới tính, tình dục và tạo ra những thói quen và hành vi không lành mạnh.
Thông tin sai lệch và lừa đảo
Yếu tố đưa TikTok trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay không thể không kể đến tính nhanh – tiện – vị (mà tác giả tự định nghĩa là nhanh chóng – tiện lợi – thú vị) mà nền tảng này đem lại. Người dùng có thể nhanh chóng chia sẻ và tiếp nhận thông tin qua những đoạn video ngắn. Tuy nhiên, đôi khi, ngay chính sự nhanh chóng và tiện lợi này lại trở thành cơ hội cho những thông tin sai lệch và lừa đảo.
Thông tin sai lệch và lừa đảo trên TikTok xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những video mang tính chất lừa đảo, những tin tức không chính xác đến việc chia sẻ những phương pháp giả mạo để kiếm tiền hoặc nâng cao lượt xem. Hậu quả của những thông tin sai lệch và lừa đảo này không chỉ gây tổn hại tài chính cho người dùng mà còn tạo ra hiểu biết và quan điểm sai lệch, đe dọa sự minh bạch và tín nhiệm của người dùng đối với nền tảng này.
Ví dụ, thông qua TikTok, một người dùng có thể tuyên truyền về một loại thuốc giả mạo hoặc phương pháp chữa bệnh không có căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người tin vào những thông tin này. Hoặc thông qua các chiến dịch marketing trá hình, người dùng có thể bị lôi kéo vào các hình thức lừa đảo, như mua hàng giả, giao dịch không an toàn hay các cơ hội đầu tư giả mạo.
Hệ quả khôn lường
Tác động tiêu cực đến xã hội
Nội dung có hại trên TikTok có thể gây ra những tác động bất lợi đối với xã hội, đặc biệt là đối với đối tượng người dùng thiếu hiểu biết, dễ kích động.
Thứ nhất, loại nội dung này có thể thúc đẩy xu hướng bình thường hóa các hành vi tiêu cực. Khi người dùng tiếp xúc với quá nhiều nội dung khuyến khích bạo lực, bắt nạt hoặc phân biệt đối xử, họ sẽ vô hình chung bình thường hóa hành động đó, dẫn đến sự gia tăng các trường hợp bắt nạt hoặc quấy rối ngoài đời thực, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tình cảm cho nạn nhân.
Thứ hai, content bẩn có thể duy trì định kiến tiêu cực và củng cố các chuẩn mực xã hội có hại. Trang “Dành cho bạn” dựa trên thuật toán của TikTok thường đề xuất các video phổ biến, mang tính lan truyền rộng rãi, bất kể nội dung của chúng là gì. Điều này có nghĩa là nội dung có hại và gây khó chịu có thể có khả năng hiển thị đáng kể, làm lan truyền những ý tưởng độc hại và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần người sử dụng. Những nội dung như vậy có thể duy trì định kiến về giới, về chủng tộc, dẫn đến sự chia rẽ và phân biệt đối xử trong xã hội.
Tác động đến uy tín thương hiệu
Đối với các thương hiệu, nhãn hàng hiện diện TikTok, sự xuất hiện và lan truyền của content bẩn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng và uy tín của họ. Các thương hiệu luôn nỗ lực chăm chỉ để xây dựng hình ảnh tích cực và thiết lập niềm tin nơi khách hàng. Tuy nhiên, khi quảng cáo hoặc nội dung được tài trợ của họ xuất hiện cùng với các content bẩn, điều đó có thể làm hoen ố danh tiếng của họ và làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Việc liên kết với nội dung có hại có thể dẫn đến nhận thức tiêu cực về thương hiệu, vì người dùng có thể cho rằng thương hiệu đang dung túng hoặc tán thành nội dung tiêu cực, có hại trên TikTok. Điều này có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng, kéo theo sự kêu gọi tẩy chay hoặc công khai sự bất bình của họ trên nhiều nền tảng khác nhau. Thiệt hại đối với danh tiếng của thương hiệu có thể kéo dài, ảnh hưởng đến thị phần, lòng trung thành của khách hàng và thành công chung của doanh nghiệp.
Theo số liệu từ trang PESTLE ANALYSIS, nội dung kém chất lượng có thể gây ra các ảnh hưởng xấu như giảm tỷ suất bán hàng lên đến 40%, làm giảm mức độ tin dùng thương hiệu giảm đến một phần ba, và 50% nội dung trên các nền tảng trực tuyến bị người dùng đánh giá là kém hữu ích. Vụ việc của TikToker Nờ ô Nô vào cuối năm 2022 đã cho thấy rằng các Influencer nếu liên quan đến các nội dung độc hại hoàn toàn có thể gây ra khủng hoảng truyền thông cho thương hiệu thương hiệu, kéo theo những hệ lụy không mong muốn. TikToker Nờ ô Nô đã bị tẩy chay đồng thời bị TikTok Việt Nam xóa vĩnh viễn tài khoản. Mặc dù không có thương hiệu nào trực tiếp bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nhiều người dùng đã kêu gọi tẩy chay các thương hiệu, nhà hàng và nghệ sĩ hợp tác với Nờ ô Nô.
Influencer là gì?
Influencer là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ những cá nhân hoặc những người sở hữu sự ảnh hưởng và sức ảnh hưởng lớn đến một nhóm người hoặc cộng đồng. Các influencer thường có sự tương tác và sự tín nhiệm từ phía người theo dõi, và họ có khả năng thay đổi ý kiến, hành vi và quyết định mua sắm của những người theo dõi mình. Thông qua sự chia sẻ nội dung sáng tạo, kiến thức chuyên môn hoặc cuộc sống cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, influencer có khả năng tạo ra tương tác, tăng cường nhận diện thương hiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các thương hiệu hoặc doanh nghiệp.
Tác động về tinh thần và cảm xúc cá nhân
Người dùng TikTok cá nhân cũng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực của nội dung có hại. Việc thường xuyên tiếp xúc với nội dung xúc phạm, bạo lực hoặc gây khó chịu có thể tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của người dùng. Nó có thể dẫn đến cảm giác lo lắng, trầm cảm và thiếu tự tin. Ngoài ra, các vấn đề so sánh về ngoại hình có thể phát sinh khi người dùng tiếp xúc với các tiêu chuẩn sắc đẹp không thực tế hoặc nội dung làm xấu cơ thể, dẫn đến các hành vi không lành mạnh và nhận thức tiêu cực về bản thân.
Ngoài ra, content bẩn có thể góp phần gây ra làn sóng bắt nạt trên mạng và quấy rối trực tuyến. Các phần bình luận và tính năng Duet của TikTok tạo cơ hội cho người dùng tương tác nội dung của nhau một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thật không may, điều này cũng có thể bị lạm dụng để gieo rắc sự căm ghét, đưa ra những nhận xét gây tổn thương hoặc tạo cơ hội để thực hiện các hành vi bắt nạt trên mạng. Những hành động này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần của các cá nhân là mục tiêu, dẫn đến một môi trường trực tuyến độc hại.
Có thể nói, sự hiện diện của nội dung có hại trên TikTok tác động tiêu cực đến động lực xã hội, tinh thần người dùng và làm xấu hình ảnh thương hiệu. Để giải quyết những vấn đề này, điều quan trọng là TikTok cần phải có các chính sách kiểm duyệt nội dung mạnh mẽ cùng các nguyên tắc cộng đồng gắt gao hơn. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên lưu tâm đến nội dung mình đang theo dõi, tích cực tham gia vào việc quảng bá nội dung sạch và toàn diện trên nền tảng. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn và lành mạnh hơn.